Lắp thang máy lên “thiên đường”
Biến ý tưởng từ tiểu thuyết thành hiện thực
Ý tưởng về chiếc thang máy đặc biệt này lần đầu tiên được đề cập trong cuốn tiểu thuyết viễn tưởng The Fountains of Paradise của tác giả Arthur C Clarke. Trong đó, thang máy có thể chở hành khách và hàng hóa từ bề mặt Trái Đất lên quỹ đạo địa tĩnh ở khoảng cách 36.000 km. Hiện nay có nhiều dự án về loại thang máy không gian này, tuy nhiên mức độ khả thi của chúng vẫn chỉ ở trên giấy tờ. Với dự án này thì Thothx Technology tự tin có thể biến ý tưởng thành hiện thực.
Ý tưởng từ tiểu thuyết sắp thành hiện thực.
Giảm thiểu chi phí vận chuyển xuống hàng trăm lần
Ngoài chức năng là thang máy tải khách, chiếc thang máy này còn đóng vai trò của một thang máy tải hàng hóa . Chi phí cho một kg hàng hóa vận chuyển bằng thang máy rơi vào khoảng 220 USD, rẻ hơn rất nhiều so với giá vận chuyển theo phương pháp hiện nay là 25.000 USD. Thang máy không gian cũng có nhiều ưu điểm khác như điểm đặt cố định hay có thể thực hiện nhiều chức năng của một vệ tinh.
Thang máy “thiên đường” hoạt động như thế nào?
Thiết kế hiện tại của thang máy đang vượt qua khả năng xây dựng của con người. Nó sẽ cần một cái tháp hoặc một sợi cáp kéo dài tới quỹ đạo địa tĩnh, thêm một sợi cáp dài hàng trăm km nữa nối với một đối trọng có kích thước của một tiểu hành tinh để giúp giữ cân bằng cấu trúc. Vật liệu chế tạo thang máy chịu được sức nặng của chính nó cũng chưa có. Hiện các vật liệu như ống nano carbon, ống nano boron nitride hay sợi kim cương nano đang được nghiên cứu thử nghiệm.
Tất nhiên, thiết kế thang máy không gian của Thothx khiêm tốn hơn nhiều. Theo bản quyền được cấp ngày 21/7, thang máy Thothx sẽ chỉ cao 20 km và có đường kính 230 mét. Mặt trên cùng của thang máy sẽ là một mặt sàn, và nó có thể phóng vệ tinh lên từ mặt sàn đó. Như đã nói, 20 km chưa thấm tháp gì so với 36.000 km như chiếc thang máy trong tiểu thuyết "The Fountains of Paradise", song nó vẫn cao hơn mọi công trình nhân tạo hiện nay, và đủ cao để tiết kiệm được 30% chi phí phóng vệ tinh.
Thiết kế đặc biệt của “ThothX Tower”
“ThothX Tower”, tên của chiếc thang máy, nó sẽ có một thiết kế đặc biệt phức tạp với các bánh đà để bù đắp sự uốn cong của nó. Phía trên đỉnh sẽ là một đường băng, nơi cất cánh của các tàu không gian. Những chiếc buồng thang máy có thể chạy trong lõi của tháp như trong cấu trúc của các tòa nhà thông thường. Chúng cũng có thể được bố trí phía ngoài tòa tháp theo một tuyến giống dạng của những đường sắt leo núi. Mỗi một buồng được thiết kế với trọng tải 10 tấn.
Theo các nhà thiết kế, ngoài mục đích sử dụng cho các chuyến bay không gian, chiếc thang máy còn có thể phục vụ nghiên cứu khoa học, viễn thông và tạo năng lượng bằng tua bin gió. Bên cạnh đó, nó cũng có thể mở ra những lựa chọn mới cho lĩnh vực du lịch không gian khi chi phí của các chuyến bay được giảm tải.
Caroline Roberts, Giám đốc điều hành của Thoth Technology nói rằng “Hạ và cất cánh ở một độ cao tới 12 dặm so với mực nước biển không giống bất kỳ một chuyến bay không gian nào trước đây”. Đó cũng được coi là một thách thức của ý tưởng. Nếu được xây dựng thành công, chiếc thang máy này sẽ là cấu trúc nhân tạo cao nhất được xây dựng. Nó sẽ cao hơn 20 lần Burj Khalifa, tòa tháp cao nhất thế giới hiện nay tại Dubai.
Trong tương lai, chúng ta sẽ có dịp chiêm ngưỡng tuyệt phẩm thang máy này. Đồng thời, mở ra trang sử mới trong lịch sử ngành thang máy và tên tuổi “ThothX Tower” sẽ được nhắc đến thường xuyên hơn.